CHỈ VÌ MỘT NGHĨA “ĐỒNG BÀO”…

 

(phuong12govap) - Câu chuyện tôi muốn kể với bạn đọc vào Chủ nhật hôm nay 18.7.2021 – ngày thứ chín của mười lăm ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố để quyết liệt chống dịch Covid-19, đó là chuyện sức sống mãnh liệt của “Bếp nhỏ Khu phố 15” ở Phường 12 - Quận Gò Vấp.

Chỉ là một căn phòng nhỏ hẹp 12 thước vuông tại góc tư đầu hẻm, vốn là một quán “café cóc” mưu sinh của chị Trần Thị Hậu, vì dịch Covid-19 phải tạm dừng bán, nhưng chị đã rất vui khi được Chi hội Phụ nữ Khu phố mượn làm bếp nhỏ và đã trở thành “trụ sở hậu cần” ngay từ đầu cho mặt trận chống dịch cơ sở của Phường 12, như mọi người nói vui…

Thật vậy, kể từ khi Gò Vấp có dịch vào hồi cuối tháng 5 và phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sáng kiến mở bếp nhỏ ấy của các chị phụ nữ Khu phố đã được Cấp ủy – Ban điều hành Khu phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Phường ủng hộ, hỗ trợ hoạt động, lặng lẽ mỗi ngày đỏ lửa chia sẻ gian khổ cùng các lực lượng chống dịch và bà con ở các điểm cách ly y tế ở địa phương. Sau hết 15 ngày giãn cách ấy, hơn 600 suất cơm được “sản xuất” từ bếp nhỏ hoàn toàn bằng nguồn quyên góp nhiệt tình của chính các chị hội viên trong Chi hội… đã cùng giúp sức cho công tác chống dịch ở Phường và Quận bước đầu thành công.

Trận chiến ấy tưởng đã xong, nhưng con virus nCoV quái ác ấy vẫn tiếp diễn sự tàn độc của nó. Sau Gò Vấp, nó đã lan thêm ra toàn Thành phố dù đã áp dụng thêm 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 10 ngày theo Chỉ thị 10/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố… Đến 0g00 ngày 9.7.2021, Thành phố tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trong toàn Thành phố. Giống như một trận chiến quyết tử cuối cùng với “giặc” dịch, “bếp nhỏ Khu phố 15” lại bừng lửa đỏ theo sự kêu gọi trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Phường 12, tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ lực lượng chống dịch và bà con các khu cách ly ở địa phương… “Bếp của Phường là bữa cơm trưa, bếp Khu phố 15 các chị giúp bữa cơm chiều cho đến khi nào hết dịch thì thôi ạ”, đồng chí Bí thư Đảng ủy Phường 12 cho biết.

Nhận nhiệm vụ, các chị “đầu bếp” tình nguyện của bếp nhỏ ấy lại ngồi bàn bạc phân công nhau mỗi người một việc, nào đi chợ, sơ chế, nấu nướng, nêm nếm… nào phân chia khẩu phần, đóng hộp cơm, canh... đâu ra đấy. Họ hẹn với nhau cố gắng khéo hoàn tất việc nhà trong buổi sáng, dành buổi chiều cho bếp nhỏ. Và khoảng 12g00 trưa là cùng có mặt bắt tay vào các công đoạn cho kịp 16g00 đem cơm ra chốt… Mỗi chiều là 50 hộp cơm, nhân lên theo số ngày giãn cách xã hội và nhu cầu của các khu cách ly phong tỏa thì sẽ là hàng trăm, thậm chí có thể là hàng ngàn hộp. Nguồn tài trợ vẫn chủ yếu là từ khả năng vận động nghĩa tình đồng bào trong bà con và hội viên đoàn thể hệ thống chính trị Khu phố, cùng với Phường chi viện thêm rau và gạo… Sức người, sức của chắt chiu lại kết thành sức mạnh trường kỳ chống dịch.

Tham gia bếp nhỏ lần này có thêm cả các anh trong Cấp ủy – Ban điều hành Khu phố, Tổ dân phố, ai rảnh thì sang phụ. Nói là phụ nhưng khéo tay không kém các chị phụ nữ và cái chính là góp sức động viên tinh thần các chị nhiều lắm. Đồng chí Bí thư Đảng bộ bộ phận Khu phố vừa làm vừa tâm sự: “Nhìn thấy các chị ấy phải khéo thu vén việc nhà để nai lưng ra làm việc phố mà thấy xúc động. Các chị không chỉ kiên trì lọ mọ nấu nướng, xong rồi còn tự đem cơm đến tận nơi mười mấy điểm chốt và khu cách ly… Ngày nắng nóng nhễ nhại mồ hôi, nhưng vẫn còn đỡ hơn ngày mưa tuôn tầm tã, ướt người nhưng cơm vẫn phải khô và nóng ấm kịp cho người trực chốt đúng bữa, cho bà con khu cách ly an tâm chống dịch. Cảm phục sức chịu đựng của các chị ấy lắm”.

Hỏi các chị, xăng đi lại mỗi ngày giao cơm cho 18 điểm đến trong toàn Phường ai giúp? Các chị bảo chị Loan và chị Phương đảm nhiệm khâu giao cơm tự nguyện lo luôn chi phí xăng. Hỏi điện - nước bếp nhỏ có ai phụ không? Các chị kể chị Hậu tự nguyện giúp mặt bằng kèm giúp hết điện – nước và cả mắm muối, dầu ăn, gia vị các loại. Hỏi các chị lo cơm chiều cho người chống dịch, cơm nhà mình ai lo, và sẽ có thể còn dài ngày nữa đấy? Các chị cười tươi: - “Gái có công thì chồng chẳng phụ, các anh và con cháu ở nhà tự lo hết. Biết tụi mình vất vả ngoài này rồi, cũng tự biết bảo nhau thôi…”. Nhìn các chị cười mà mắt tôi nhòa đi… Họ giấu tất cả những nhọc nhằn, lo lắng của bản thân và gia đình để làm tròn trách nhiệm công dân với xã hội, một trách nhiệm không lương, không chi phí, nhưng vô giá với nghĩa đồng bào.

Ở giữa tâm dịch khốc liệt hôm nay, càng hiểu sức sống mãnh liệt của từng bếp nhỏ ấy đã và sẽ góp thành ngọn lửa ý chí lớn của người Gò Vấp cùng đồng bào Thành phố và cả nước quyết thắng giặc dịch, để cuộc sống sẽ lại bình yên.

PHƯƠNG HOA

TIN CÙNG DANH MỤC

return to top